Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

Ca sĩ Phương Hồng Ngọc


Phương Hồng Ngọc sinh ra tại Cần Thơ. Ông nội của cô là người Pháp và bà nội là người Việt gốc Hoa. Cha của Phương Hồng Ngọc có thời làm quan thuế tại TP Hải Phòng. Sau 1945, ông vào miền Nam , làm báo và làm giác sự dạy tiếng Pháp tại miền Tây Nam Bộ. Một lần ông tình cờ gặp một người phụ nữ xinh đẹp miền Cần Thơ mà sau này là mẹ Phương Hồng Ngọc. Sau khi mẹ Phương Hồng Ngọc sinh người con thứ tư thì cuộc sống tình cảm của cha mẹ cô không được thuận buồm xuôi gió nên họ đã tiến hành sống li thân. Cha cô sau này lấy một người vợ khác còn Phương Hồng Ngọc ở lại với mẹ. Về lĩnh vực âm nhạc, nhờ nhận biết năng khiếu của cô mà gia đình đã sớm cho PHN theo học lớp nhạc của thầy Nguyễn Đức từ năm PHN 12 tuổi (là “lò” đào tạo ra các ca sĩ nổi tiếng như Phương Hồng Quế, Phương Đại, …). Dưới mắt thầy Nguyễn Đức, PHN có giọng hát mượt mà và nhất là có khả năng hát bè vững vàng. Cô đồng thời tham gia 2 ban hợp ca do NS Nguyễn Đức phụ trách trên Đài phát thanh Sài Gòn. Không những thế, PHN còn là thành viên ban hợp ca Sao Băng (nữ) cũng do thầy Nguyễn Đức thành lập. Ngoài ra Phương Hồng Ngọc còn là một gương mặt quen thuộc trong nền điện ảnh trước 1975.

Năm 1977, Pháp kiều được hồi hương. Do vậy cha cô và người vợ sau và các con dưới 18 tuổi với người vợ này sang Pháp. Đến năm 1980, PNH cùng mẹ và các anh em mới được cha bảo lãnh sang Pháp. Tuy vậy trong thời gian này, cô đang đi hát cùng đoàn ở tận tỉnh Hải Dương. Vì điện tín khi đến tay cô đã quá muộn, Phương Hồng Ngọc cùng chồng con phải ở lại Việt Nam.

Năm năm sau, cha Phương Hồng Ngọc, được chính phủ Pháp cho đoàn tụ với các con cháu trước khi nhắm mắt. Đến Paris, Phương Hồng Ngọc cùng gia đình đến trung tâm tiếp nhận để làm thủ tục. Thật may mắn, cô được người giới thiệu đến biểu diễn tại phòng trà Capitol ở quận 19, Paris, nơi Hương Lan vừa ngưng cộng tác để sang sống ở Hoa Kỳ. Chẳng bao lâu, cô được trung tâm Thuý Nga mời cộng tác trong chương trình Paris By Night số 2 với nhạc phẩm được trình bày là “Món Quà Kỉ Niệm”. Cô tiếp tục cộng tác trong những chương trình sau và còn thu âm tiếng hát của mình cho những băng nhạc của Thuý Nga. Đến năm 1989, PHN ngưng cộng tác với Thuý Nga, li dị chồng và cùng hai con sang Hoa Kỳ vì cô thấy điều kiện sinh sống và cơ hội học tập cho các con ở đấy tốt hơn.

Sang Hoa Kỳ, cô chọn sống ở Houston, tiểu bang Texas vì tại đây, cô kết hôn với một người bạn của chồng ca sĩ Giao Linh. Sau này, cô trở thành một người theo Công giáo với niềm tin mạnh mẽ vào sự sắp đặt của Bề Trên. Từ năm 2001, PHN thường xuyên có mặt tại Việt Nam vì công việc của chồng cô là giám đốc một công ti tư vấn dầu khí. Khi ở trong nước, PHN có nhiều việc làm giúp đỡ những người kém may mắn. Gần đây, từ chương trình Asia 55, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế và Phương Hoài Tâm cùng xuất hiện trên sân khấu đã tạo sự ưa thích trong lòng khán giả.

(CT ghi lại từ chương trình Nghệ sĩ và đời sống do Trường Kỳ thực hiện, phát trên làn sóng của đài tiếng nói Hoa Kỳ)


Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2008

Ca-nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (1928-2002)


*Ngày sinh: 16/06/1928
*Nơi sinh: Huế

Người con xứ Huế Nguyễn Hữu Thiết ngay từ thuở nhỏ đã mê ca hát. Khi vào trung học, ông được một vị giáo sư người Pháp dạy cách xướng âm. Sau năm 1945, ông hoạt động văn nghệ ở chiến khu Tuyên Hóa (Quảng Bình) và năm 1948 kết hôn với bà Ngọc Cẩm. Từ đó, cặp vợ chồng đem tiếng hát của mình phục vụ ở chiến khu Bình Trị Thiên. Cuối năm 1953, hai ông bà về Sài Gòn sinh sống và trở thành một đôi song ca hết sức ăn ý.

Những thập niên 50, 60 tại Nam Việt Nam, đôi song ca nổi danh như cồn qua việc hát những ca khúc như Trăng Rụng Xuống Cầu, Gạo Trắng Trăng Thanh của NS Hoàng Thi Thơ. Đĩa hát của hai ông bà phát hành ra được bán chạy như tôm tươi. Đại lý các tỉnh hàng ngày đến chen nhau mua, chỉ gọi tắt tên của ca khúc như: "Bán cho 200 đĩa Trăng rụng, 200 đĩa Gạo trắng". Đây là thời điểm vàng son trong sự nghiệp của CNS Nguyễn Hữu Thiết và người vợ Ngọc Cẩm. Một hãng ghi âm đã tặng chiếc xe hơi Consul để đổi lại, đôi song ca sẽ là ca sĩ độc quyền cho họ.

Không chỉ hát những ca khúc trên, NS Nguyễn Hữu Thiết còn là một tài năng của nền âm nhạc Việt Nam với nhiều sáng tác nổi tiếng như: Chàng Là Ai?, Hoa Thương Nhớ Ai, Anh Đi Chiều Thu Ấy,...

Suốt những năm tháng vàng son của âm nhạc trước 1975, đôi song ca đã thông qua tiếng hát của mình để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Hai ông bà có với nhau hai người con gái mà sau này đều trở thành ca sĩ là Hồng Danh và Hồng Hạnh.

Sau 1975, CNS Nguyễn Hữu Thiết cùng gia đình ở lại Sài Gòn. Nguyễn Hữu Thiết đã ra đi mãi mãi vào lúc 20 giờ, ngày 30/10/2002. Lễ động quan tổ chức vào ngày 04/11/2002. Trước khi mất ít lâu, ông còn sáng tác ca khúc 'Anh nhớ về thăm mẹ' nhân mùa Báo Hiếu.

Vào năm 2006, ca sĩ Hồng Hạnh đã tổ chức một đêm nhạc tưởng niệm người cha của mình với chủ đề "Tìm Mãi Thương Yêu" tại khách sạn Sofitel, SG với gần 500 khách mời. Nghệ sĩ tham gia, ngoài Kim Cương, Hương Lan, Quang Linh, Thùy Dương... còn có vợ và con gái của ông là nữ ca sĩ Hồng Hạnh.

Ngoài ra, hãng Phương Nam Film cũng phát hành một album với tiếng hát Nguyễn Hữu Thiết vào năm 2006 gồm 10 tác phẩm đặc sắc do ông sáng tác.


*Các sáng tác chính:

.Ai đi ngoài sương gió
.Anh đi chiều thu ấy
.Anh nhớ về thăm mẹ
.Chàng là ai?
.Chỉ có tình yêu
.Chiều về trên sông
.Chim trời
.Điệp khúc ưu tư
.Đôi ngả
.Đường đời
.Gửi người tôi yêu
.Hoa thương nhớ ai
.Khúc hát tiễn đưa
.Khúc hát trăng vàng
.Kỉ niệm xa rồi
.Mưa chiều nhớ nhau
.Nàng xuân của tôi
.Người đã đi rồi
.Nhạc khúc trường giang
.Nước mắt mẹ tôi
.Thương đón xuân về
.Tiếng hát em tôi
.Tiếng hát trên đồi
.Tiếng hát trên ngàn (Nguyễn Hữu Thiết & Văn Lương)
.Tìm mãi thương yêu
.Tình ca mùa lúa
.Trăng đẹp tình quê
.Vương vấn
.Xuân xanh
...

Nguồn: tổng hợp từ nhiều bài viết trên Internet: Autim.com, VnExpress.net, edu.net.vn, vmdb.com,...và một số danh sách bài hát.

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Tên gọi "Cần Thơ" xuất phát từ đâu?

Quan điểm 1:

Cái tên “Cần Thơ” xuất hiện đầu tiên dùng để chỉ con rạch có nhiều cá “Kìn Tho”, loại cá sặc rằn có nhiều ở vùng nầy, được dùng làm khô tới nay vẫn còn nhiều người mình ưa chuộng. Người Lục Tỉnh có thói quen gọi tên sông rạch bằng loại thực sinh vật có nhiều dưới sông. Như rạch Bần, rạch Gốc, rạch Bùn, rạch Cát, rạch Cá Tra, rạch Cá Sấu, rạch Cá Chốt, rạch Cá Trê. v.v... Và con rạch có nhiều cá “kìn tho” được gọi là rạch “Kìn Tho”. “Kìn Tho” là tiếng Khmer, người Khmer đọc âm “kìn” trong cổ họng nghe như “ân”. Thuở đó người Việt Nam có thói quen đọc âm “ân” là “in” như nhin sâm/ nhân sâm, tiểu nhin/tiểu nhân, nhân nghĩa/nhin ngãi...

Do vậy “kìn tho” được người Việt Nam địa phương đọc trại thành Cần Thơ, và con rạch có nhiều cá “ kìn tho” được người mình gọi là rạch Cần Thơ. (Lê Trung Hoa - Ðịa Danh Nam Bộ)

Quan điểm 2:

Ngược dòng thời gian, bến Ninh Kiều xưa được khai sinh là một bến sông ở đầu chợ Cần Thơ. Ninh Kiều ngày ấy tấp nập thuyền bè qua lại giao thương, hàng cây dương chắn gió ven bờ đã trở thành tên gọi của bến sông. Công việc giao thương mỗi ngày thêm phần thịnh, bến Hàng Dương do đó cũng được mở rộng và sửa sang, rồi dần trở thành một thắng cảnh của đất Tây Đô. Sau những năm 1958, bến này chính thức được đặt tên là bến Ninh Kiều. Phải chăng cái tên Cần Thơ cũng xuất phát từ bến sông này? Bởi theo như lời dân gian truyền tụng, xưa kia tại Ninh Kiều vào những đêm trăng sáng, thuyền bè tấp nập qua lại trên sông, khách tài tử, giai nhân đất Tây Đô thường cùng nhau lĩnh xướng thơ ca. Do vậy, bến còn có tên gọi là Cầm Thi, và chính tên gọi Cầm Thi được gọi trại ra thành tên của đất Cần Thơ bây giờ. (Trần Thế Phương)

Quan điểm 3:

Thuở xưa vùng này có rất nhiều loại rau cần và rau thơm, được người bán rao rằng: “Rau cần, rau thơm xanh mướt; Mau mau kẻo hết, chậm bước không còn.”

Hai loại ra thơm này cũng đi vào ca dao của người miệt này:

“Rau cần lại với rau thơm,

Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều?”

Người bình dân gọi xứ có nhiều “rau cần, rau thơm” là xứ Cần Thơm, lâu ngày nói trại là Cần Thơ.

(Huỳnh Minh - Cần Thơ Xưa và Nay)

Quan điểm 2 và 3 tôi đã được nghe từ rất lâu rồi, khi còn là một học sinh tiểu học và quan điểm 3 là quan điểm mà tôi đồng tình hơn cả!