Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

Băng nhạc Sơn Ca 6 - tuyệt vời !

Danh sách các bài hát trong băng nhạc

Đối với những ai yêu tiếng hát Giao Linh, băng nhạc tuyệt vời Sơn Ca 6 do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông thực hiện là một tác phẩm không thể bỏ qua. Băng nhạc gồm 18 nhạc phẩm danh tiếng cùng với sự đua tài của 4 dàn nhạc lớn ở Sài Gòn qua giọng ca "ngút ngàn tình ái, ngùn ngụt yêu đương" của ca sĩ Giao Linh. Mở đầu băng nhạc là giọng giới thiệu thật mùi mẫn của cô Tú Trinh. Sau đó chúng ta được thưởng thức ngay bản "Nhớ Một Người" thật đặc sắc với cách hoà âm hết sức ấn tượng và giọng hát khoẻ khoắn, tươi trẻ của Giao Linh. Quả thật sau này riêng tôi chưa thấy ai ca hay hơn cô bài hát này. Không gian chợt lắng xuống khi bài "Chiều Tha Hương" được tấu lên. Một cảm giác buồn xa xăm xâm chiếm tâm hồn người nghe, nhất là đối với những người con xa xứ đi tìm kế sinh nhai. Kết thúc bài ca, thính giả thưởng thức tiếp tuyệt phẩm "Bóng Nhỏ Đường Chiều" của nhạc sĩ tài danh Trúc Phương. Không thể diễn tả hết sự ngạc nhiên của tôi khi lần đầu nghe ca khúc này.
"Tôi đến nơi hẹn hò đường chiều nghiêng nghiêng nắng đổ.
Bàn tay thon ngón nhỏ...".
Tiếng cô Linh vun vút như đưa tôi về con đường chiều đầy nắng vàng, chứng kiến đôi tình nhân mừng mừng tủi tủi gặp nhau sau bao ngày xa cách !
Với sự chọn lọc hết sức độc đáo của người thực hiện, các cảm giác của người nghe liên tiếp đan xen lẫn lộn với nhau, tạo nên một sự thú vị đặc biệt. "Tan Tác" buồn sâu lắng với "...kiếp sau hoa gặp, kiếp này đành thôi." lại nối tiếp "...Lệ rối tơ sầu; thương ai lỡ nhịp cầu, vì đâu vì đâu; nuốt hờn trong khổ đau..." rồi "Thà đừng quen nhau, quen nhau mà làm chi..." như một chuỗi cảm xúc bất tận.
"Chuyến Tàu Hoàng Hôn" của Minh Kì & Hoài Linh được rất nhiều ca sĩ trước và sau 1975 chọn thể hiện nhưng với tiếng hát Giao Linh, bài hát này luôn gợi nhiều kỉ niệm với tôi. Hai bài nhạc còn lại kết thúc mặt A của băng nhạc trong niềm tiếc nuối của người nghe khi phải tạm dừng dòng xúc cảm.
Không hề chi, mặt B của băng nhạc vẫn tiếp nối một cách xuất sắc mặt A với nhiều nhạc phẩm xưa từ thập niên 1950 như "Ai Về Sông Tương, "Chiều Mưa Biên Giới", "Ngày Trở Về"...
Các tác phẩm "Niềm Đau Dĩ Vãng" và "Hai Lối Mộng" nhẹ nhàng với cảm xúc thật lắng đọng.
Thật không thể bỏ qua bản "Chiều Mưa Biên Giới" lẫy lừng, một bài hát đỉnh cao trong làng nhạc miền Nam thời bấy giờ.
"...Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn.
Còn nhiều anh ơi!"
Lời bài hát vang lộng trong không gian như không dứt, len lỏi vào sâu trong tâm hồn tôi để rồi lưu lại niềm thương lưu luyến với người anh biên giới.
Nông thôn nước Việt với những hình ảnh lũy tre, dòng sông, con đò...thật mộc mạc, bình dị nhưng đấy lại là những hình ảnh thân thương, gắn bó nhất với những con người Việt Nam dù đi khắp phương trời góc biển. Những đôi trai gái cùng nhau vui sống, xây mộng tình đẹp biết bao nhưng có một ngày, người anh phải rời xa quê hương để dấn bước "sông hồ", để lại người yêu nhỏ cùng mỗi nỗi chờ trông, hi vọng. Tất cả những cảnh ấy đã được nhạc sĩ khắc hoạ tinh tế trong tuyệt tác "Qua Xóm Nhỏ". Tác phẩm để đời này cùng những ý nhạc mộc mạc, màu sắc đa dạng, hình ảnh thân quen đưa ta về với muôn kỉ niệm yêu thương nồng ấm, khó phai để cùng chia sẻ với nỗi buồn xa người yêu của cô gái và nỗi buồn "ngày về quê cũ" của chàng trai khi biết tin người yêu đã sang ngang đi lấy chồng. Thương quá, ôi những mối tình dang dở...
Kết thúc băng nhạc là bài "Sầu Lẻ Bóng". Với cách hoà âm độc đáo, bản nhạc đã khép lại một cách xứng đáng cả chương trình nghệ thuật mà theo tôi thì không còn lời lẽ nào hơn để khen ngợi.
Đây quả thực là một mốc son đánh dấu sự trưởng thành trên con đường nghệ thuật của Giao Linh, người ca sĩ tài năng mà tôi yêu mến!

Không có nhận xét nào: